Thăm dò ý kiến

Bạn biết đến Hue Medic bằng cách nào?

Google

Mạng xã hội

Bạn bè giới thiệu

Qua tìm hiểu

Tất cả các ý kiến trên

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 113
  • Hôm nay: 14724
  • Tháng hiện tại: 305833
  • Tổng lượt truy cập: 13473139
1

Viêm bao hoạt dịch khớp : chẩn đoán và điều trị

Đăng lúc: Thứ ba - 24/03/2020 22:12 - Người đăng bài viết: Quản trị website
Viêm bao hoạt dịch được xếp vào bệnh xương khớp, xảy ra khi bao hoạt dịch bị viêm không do nhiễm khuẩn, gây ra đau nhức ảnh hưởng đến khả năng vận động của khớp.
I.CHẨN ĐOÁN
Viêm bao hoạt dịch có nguy hiểm?

Bao hoạt dịch nằm ở dưới các gân bám vào xương, giúp cho gân di động dễ dàng và không bị tổn thương khi co, duỗi.
Khi bộ phận này bị viêm gây ra nhiều hạn chế trong vận động. Nếu không điều trị đúng có thể gây ra một số bệnh lý xương khớp khác, trường hợp nặng còn gây tê liệt khớp và bại liệt hoàn toàn.

Viêm bao hoạt dịch được xếp vào bệnh xương khớp, xảy ra khi bao hoạt dịch bị viêm không do nhiễm khuẩn, gây ra đau nhức ảnh hưởng đến khả năng vận động của khớp. Bệnh thường xuất hiện ở một số khớp hoạt động thường xuyên như viêm bao hoạt dịch gân gấp ngón tay gây ra hội chứng ngón tay lò xo, viêm bao hoạt dịch gân gót chân, viêm bao hoạt dịch khớp gối, khớp hông...

Những khớp thường bị viêm bao hoạt dịch là khớp vai, khủy tay, hông, đầu gối, gót chân, gân gấp các ngón tay.

Nguyên nhân gây viêm bao hoạt dịch

Hoạt động nhiều và liên tục: Do hoạt động một hay nhiều động tác thường xuyên và liên tục khiến các bao hoạt dịch quanh khớp bị kích thích và dễ bị viêm. Ví dụ, những người thường xuyên phải quỳ gối, tỳ khủy tay trong thời gian quá lâu hay sử dụng cổ tay, cánh tay, cổ chân để thực hiện hoạt động nào đó thường xuyên lâu ngày có thể bị viêm bao hoạt dịch.

Chấn thương: Khớp gối, khớp khủy tay thường có bao hoạt dịch nằm ngay dưới da nên nếu các khớp này bị chấn thương thì rất có thể làm bao hoạt dịch bị tổn thương và gây viêm.

Do nghề nghiệp hay sở thích: Những người có nghề nghiệp bắt buộc hoặc có sở thích nào đó mà phải hoạt động một khớp thường xuyên cũng khiến khớp đó chịu nhiều áp lực, bao hoạt dịch cũng dễ trở nên tổn thương và gây ra tình trạng viêm bao hoạt dịch. Ví dụ người chơi tenis thường hay bị viêm bao hoạt dịch ở điểm bám gân vùng lồi cầu ngoài xương cánh tay.

Viêm bao hoạt dịch có nguy hiểm?Viêm bao hoạt dịch gân gót.
Người cao tuổi: Những người tuổi cao, xương khớp bị lão hóa mất đi độ chắc khỏe, trở nên suy yếu cũng rất dễ bị viêm bao hoạt dịch.
Các bệnh lý toàn thân: Thấp khớp, gút, tiểu đường cũng là những nguyên nhân gây viêm bao hoạt dịch.

Các triệu chứng nhận biết

Viêm bao hoạt dịch các khớp xương có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, bệnh dễ nhầm lẫn với viêm khớp hay viêm dây chằng do có các triệu chứng gần giống nhau như: Khớp bị sưng, nóng đỏ, đôi khi cứng khớp làm hạn chế hoạt động. Các khớp đau, nhức, cứng khi bị viêm, bên ngoài có thể thấy khớp bị sưng đỏ, bầm tím hoặc phát ban tại vùng khớp bị viêm, khi ấn vào khớp bị viêm bao hoạt dịch thấy rất đau hoặc di chuyển nhẹ cũng có thể gây đau nhiều. Có thể xuất tiết dịch nhiều gây ứ dịch trong bao hoạt dịch hoặc tràn dịch khớp.
Cơn đau khớp có thể kéo dài đến 2 tuần. Khi vận động nhẹ hoặc thực hiện các bài tập thể dục cũng gây đau chói. Do đó, khi có các biểu hiện này kèm theo sốt cao cần đến khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán bệnh vì nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra các biến chứng như thấp khớp, tràn dịch khớp, tê liệt khớp...

Các phương pháp chẩn đoán
  • Khám lâm sàng
  • Xet nghiệm
  • Chụp X Quang
  • Siêu âm
  • Chụp Cộng Hưởng từ


Hình minh họa: Hình siêu âm toàn cảnh của khớp gối cho thấy hiện diện lớp dịch dày trong bao hoạt dịch trên xương bánh chè, dịch lợn cợn hồi âm của mô viêm.

II. ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG BỆNH
 
2.1 Điều trị:  Điều trị viêm bao hoạt dịch thường là băng khớp, hạn chế vận động tương đối khớp viêm và dùng thuốc chống viêm giảm đau. Các thuốc uống được sử dụng là thuốc kháng viêm không steroid như ibuprofen, naproxen, mobic... có thể phối hợp với các phương pháp trị liệu vật lý như nhiệt trị liệu, sóng ngắn trị liệu hay hồng ngoại hoặc laser trị liệu. Những trường hợp nặng có thể tiêm corticoid vào bao hoạt dịch, nhưng phải được tiến hành bởi các bác sĩ chuyên ngành xương khớp.

Những phương pháp nào dùng để điều trị viêm bao hoạt dịch khớp ?
Một số biện pháp chữa trị viêm bao hoạt dịch thông thường bao gồm:
Nghỉ ngơi, dừng các hoạt động trong ít nhất 2 tuần. Cố định bằng một thanh nẹp hoặc băng bột trong 7-10 ngày.
Đặt đá trên khu vực đau để giảm sưng và giảm đau.
Sử dụng các loại thuốc kháng viêm như aspirin, ibuprofen, naproxen có thể hiệu quả đối với viêm bao hoạt dịch nhẹ và vừa.
Nếu viêm bao hoạt dịch do nhiễm trùng gây ra, bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng sinh cho bạn.
Chọc hút, hay rút bớt dịch trong bao hoạt dịch, có thể giúp giảm đau tạm thời và giúp bác sĩ xét nghiệm dịch nhằm kiểm tra bạn có bị nhiễm trùng hoặc bệnh gút không. Tuy nhiên bệnh vẫn có thể tái phát, hơn nữa chọc hút quá nhiều sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và đứt gân.
Nếu bệnh vẫn không thuyên giảm sau 6-12 tuần điều trị. Bác sĩ có thể yêu cầu nội soi khớp hoặc phẫu thuật mở để chữa lành các tổn thương và làm giảm áp lực lên túi hoạt dịch.

Liệu pháp Tiêm Corticosteroids vào Mô Mềm và Nội Khớp

Corticosteroids là nhóm thuốc kháng viêm mạnh. Chúng được dùng để giảm phản ứng viêm xảy ra ở khá nhiều bệnh. Corticosteroids thường dùng đường uống, hít, bôi ngoài da, tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm vào các vùng mô khác nhau của cơ thể.
- Các thuốc corticosteroids bao gồm:
+ Prednisone và prednisolone (dùng uống),
+ Solu-Medrol (tiêm tĩnh mạch),
+ Triamcinolone, Kenalog, Celestone, Depo-Medrol v.v.(dùng tiêm vào mô).
- Bài viết này xin chỉ đề cập đến liệu pháp tiêm corticosteroid và các vùng mô mềm và khớp. Corticosteroids không phải là thuốc giảm đau. Chúng chỉ giảm bớt phản ứng viêm, do giảm viêm nên corticosteroids làm giảm đau.
- Phản ứng viêm có thể tái phát. Tiêm corticosteroid nếu được sử dụng đúng cách có thể giúp tình trạng viêm thuyên giảm được lâu, từ hàng tháng đến hàng năm.
- Tiêm corticosteroid còn có thể trị dứt điểm nếu mô viêm chỉ khu trú ở một vùng nhỏ, như viêm bao khớp hay viêm gân cơ chẳng hạn. Tiêm Cortisone được dùng để điều trị tình trạng viêm khu trú ở những vùng mô nhỏ của cơ thể (tiêm tại chỗ), hoặc các phản ứng viêm lan tỏa toàn thân (điều trị toàn thân).

a. Tiêm cortisone tại chỗ

- Tiêm tại chỗ trong những trường hợp viêm bao hoạt dịch, viêm gân và viêm khớp như:
+ Viêm khớp gối
+ Viêm bao khớp háng
+ Viêm bao gân cơ bàn chân
+ Viêm gân cơ ổ quay ở vai
+ Và một số tình trạng khác.
- Tiêm ngoài màng cứng tủy sống được bác sĩ chuyên khoa thực hiện dưới sự hướng dẫn của màn hình huỳnh quang.
- Tiêm corticosteroid toàn thân được chỉ định ở những bệnh lý ành hưởng đến nhiều cơ quan bộ phận như phản ứng mẫn cảm, hen suyễn và viêm khớp dạng thấp.
- Khi khớp sưng viêm, đôi khi dịch khớp cần được rút ra trước khi tiêm cortisone vào khớp. Dịch khớp được phân tích để xác định nguyên nhân gây viêm khớp.

b. Lợi ích của việc tiêm corticosteroid tại chỗ

- Lợi ích khi tiêm corticosteroid tại chỗ là sẽ giảm nhanh và mạnh phản ứng viêm khu trú ở một vị trí đặc biệt của cơ thể so với các thuốc kháng viêm truyền thống dùng đường uống như aspirin, các thuốc NSAID.
- Chỉ tiêm một lần sẽ giúp giảm các phản ứng phụ của thuốc,  như tình trạng kích ứng dạ dày vẫn thường đi kèm với việc uống thuốc kháng viêm chẳng hạn.
- Tiêm cortisone có thể được thực hiện dễ dàng ở phòng khám.

c. Bất lợi của việc tiêm cortisone tại chỗ

- Bất lợi của việc tiêm cortisone là cần thiết phải dùng kim tiêm xuyên thủng da cùng với những tác dụng phụ ngắn hạn và lâu dài của thuốc.
- Biến chứng ngắn hạn ít gặp bao gồm teo và nhạt màu da tại vị trí tiêm, nhiễm trùng, chảy máu tại chỗ, đau vết tiêm, phản ứng viêm tăng nặng hơn tại chỗ do kích ứng với  corticosteroid (phản ứng sau tiêm).
- Các gân cơ có thể bị yếu do tiêm trúng gân hoặc vùng kề cận gân. Hậu quả đứt gân đã được báo cáo. 40% trường hợp than phiền nóng bừng mặt thoáng qua. Mất ngủ và tăng tiết mồ hôi ít gặp hơn.
- Ở những bệnh nhân đái tháo đường, tiêm cortisone có thể làm tăng đường huyết.
- Đối với các bệnh nhân đang bị bệnh nhiễm trùng, tiêm cortisone có thể làm mất khả năng đề kháng của cơ thể khiến tình trạng bệnh nặng hơn, đồng thời che khuất các dấu hiệu và triệu chứng khiến việc chẩn đoán và theo dõi bệnh gặp nhiều khó khăn.

d. Hạn chế và sử dụng thận trọng: Hạn chế tiêm và sử dụng thận trọng cortisone ở những bệnh nhân đái tháo đường, người có bệnh nhiễm trùng đang hoạt động và những bệnh nhân có rối loạn đông máu.

e. Biến chứng: Các nguy cơ dài hạn khi tiêm corticoid tùy thuộc vào liều lượng và số lần tiêm. Thường xuyên tiêm liều cao có thể gây mỏng da, da dễ bị bầm tím, làm tăng cân, mặt tròn, tăng huyết áp, đục thủy tinh thể, loãng xương, hoại tử xương vô mạch (avascular necrosis).

f. Lợi ích khi tiêm corticoid vào khớp
- Cortisone tiêm nội khớp có lợi trong việc giảm đau khớp nhanh chóng, phục hồi chức năng cho một phần cơ thể bị bất động bởi phản ứng viêm, như viêm khớp gối hay khớp khuỷu chẳng hạn.  Điều này có thể đặc biệt quan trọng đối với một số bệnh nhân, như những người trụ cột trong gia đình hoặc người sống đơn thân.
- Mặc dù có những phản ứng phụ như đã được mô tả ở trên, nếu dùng liều thấp và không liên tục, corticosteroids thường ít gây ra những nguy cơ đáng kể.
- Cortisone tiêm nội khớp cũng có thể giảm bớt tình trạng viêm khớp toàn thân khi thuốc được hấp thu từ khớp vào hệ tuần hoàn.

g. Tác dụng phụ khi tiêm cortisone trực tiếp vào khớp
- Tiêm cortisone vào khớp có thể gây thêm các tác dụng phụ tại chỗ ngoài những tác dụng toàn thân.
- Tiêm cortisone nội khớp ảnh hưởng đến mô khớp, đặc biệt khi tiêm nhắc lại nhiều lần. Các tổn thương này bao gồm: mỏng sụn khớp, yếu các dây chằng khớp, tăng tình trạng viêm tại khớp do phản ứng đối với tinh thể corticosteroid, nhiễm trùng khớp .

h. Thực hiện tiêm cortisone vào mô mềm
- Rút thuốc corticosteroid vào ống tiêm. Có thể đồng thời pha thêm một thuốc gây tê cục bộ như lidocain. Chọn vị trí tiêm. Tiệt trùng da trên khu vực được tiêm bằng dung dịch cồn 90 độ hoặc Betadine.
- Có thể gây tê tại chỗ khu vực tiêm bằng cách làm lạnh nhanh chóng với bình xịt chứa ethyl clorua. Kim tiêm sau đó được đâm xuyên qua da vào mô. Bơm thuốc từ từ vào vùng viêm. Rút kim và dán băng vô trùng lên vị trí tiêm.

i. Tiêm cortisone nội khớp
- Tiêm cortisone vào khớp tương tự tiêm vào mô mềm. Betadine thường được chọn lựa để sát trùng da ở vị trí tiêm. Nếu có tràn dịch khớp, lượng dịch này sẽ được rút ra bằng một ống tiêm khác trước khi tiêm cortisone vào khớp.
- Thầy thuốc quan sát dịch khớp bằng mắt thường và gửi mẫu đi xét nghiệm. Rút dịch giúp nhanh chóng giảm đau do giảm áp suất trong khớp. Sau cùng, rút dịch giúp khớp mau phục hồi hơn.

j. Tiêm corticoid có đau không?
- Ít đau nếu được bác sĩ chuyên khoa thực hiện. Bù lại tình trạng đau khớp sẽ nhanh chóng thuyên giảm do thuốc có tác dụng kháng viêm tại chỗ.
- Tiêm cortisone vào các khớp đã thoái hóa hoặc những khớp quá nhỏ (như khớp ngón tay chẳng hạn) có thể gây đau nhẹ và tạm thời.
- Trong một số rất ít trường hợp, các dây thần kinh có thể bị kích ứng, do tiêm chạm trực tiếp hoặc do phản ứng tại chỗ với corticoid.
Tóm tắt về tiêm corticosteroid (Cortisone) vào mô mềm và tiêm nội khớp
Corticosteroid là các thuốc kháng viêm mạnh.
Tiêm Cortisone có thể giảm nhanh chóng tình trạng đau do viêm khớp, viêm gân và bao gân.
Các biến chứng hiếm gặp như nhiễm trùng, xuất huyết có thể xảy ra.
Khi được thầy thuốc chuyên khoa thực hiện, tiêm cortisone giúp nhanh chóng giảm đau với những bất tiện tối thiểu.

2.2. Dự phòng: Để dự phòng bị viêm bao hoạt dịch, cần tránh lặp đi lặp lại một động tác lao động kéo dài, cần thay đổi tư thế và các động tác để tránh gây tổn thương cho bao hoạt dịch. Điều trị và kiểm soát tốt các bệnh toàn thân như viêm khớp dạng thấp, tiểu đường, phát hiện và điều trị sớm khi viêm bao hoạt dịch mới bắt đầu. Khi đã bị bệnh, một số biện pháp có thể dùng ở nhà để làm giảm cơn đau của viêm bao hoạt dịch bao gồm: Nghỉ ngơi và bất động khu vực bị ảnh hưởng; áp nước đá để giảm sưng; đệm đầu gối, tránh áp lực lên khuỷu tay, dùng thuốc giảm đau, giảm viêm theo hướng dẫn của bác sĩ.
 
Tại các cơ sở của PKĐK Medic-Huế đã thăm khám thường qui , chẩn đoán và điều trị bệnh viêm bao hoạt dịch khớp, viêm khớp các loại. Thông tin chi tiết xin vui lòng điện thoại số 0234 3824285.
Tác giả bài viết: PGS.TS Nguyễn Phước Bảo Quân
Nguồn tin: Ruddy, S., Harris, E.D., Sledge, C.B., Kelley, W.N., eds. Kelley's Textbook of Rheumatology. 7th ed. Philadelphia: WB Saunders. 7/15/2010
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn